Tạp chí xã hội - Tái chế rác thải: Pháp gặp khó khăn khi Trung Quốc và Đông Nam Á ngưng nhập khẩu rác
Mỗi năm, nước Pháp thải ra gần 325 triệu tấn rác thải, và tái chế được khoảng 60% lượng rác thải nói trên. Mặc dù chính quyền Pháp chú trọng tái chế rác thải, nhưng trên thực tế, tái chế dường như không thu hút được nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực xử lý rác thải. Đối với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này, xuất khẩu rác sang nước ngoài đỡ tốn kém và ít gây ô nhiễm hơn là tái chế rác trong nước.
Trung bình, hàng năm, Pháp xuất khẩu 14 triệu tấn rác thải, chủ yếu là kim loại, bìa carton, giấy, nhựa. Theo một báo cáo của tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace, Pháp là nước xuất khẩu rác nhiều thứ 13 trên thế giới. Ba nước đứng đầu là Mỹ, Nhật và Đức, chủ yếu là xuất sang Trung Quốc và Đông Nam Á.
Khi Trung Quốc và Đông Nam Á quay lưng lại với rác thải nhập khẩu
Trước đây, Trung Quốc là nước nhập khẩu nhiều rác thải nhất thế giới. Tuy nhiên, vào năm 2017, Trung Quốc quyết định cấm nhập nhiều loại rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa, khiến thị trường tái chế rác thải toàn cầu chao đảo. Các nước phương Tây ngày càng lo ngại về việc xuất khẩu rác thải. Pháp cũng không phải là ngoại lệ. Sau quyết định của Bắc Kinh, nhiều nước Đông Nam Á, như Malaysia, Philippines, Indonesia … bất ngờ trở thành bến đỗ mới cho những con tàu chở rác thải từ các nước giàu có. Nói cách khác, Đông Nam Á trở thành thị trường rác thải mới của thế giới, thế chỗ Trung Quốc.
Trong phóng sự phát trên đài RFI ngày 18/11/2019, b à Stéphanie Monjon, giáo viên đại học Paris-Dauphine, nhà nghiên cứu thuộc đơn vị nghiên cứu kinh tế Dauphine, giải thích về việc xử lý rác thải nhập khẩu tại các nước Đông Nam Á :
« Một phần rác thải bị tiêu hủy. Tại Pháp, chúng ta cũng đốt rác, nhất là nhựa, trong các nhà máy thiêu hủy rác thải. Nhưng cần chú ý là khi chúng ta thiêu đốt rác trong các nhà máy này, chúng ta có xử lý khói bốc lên. Có các công nghệ xử lý, với các loại máy móc thiết bị cần thiết để lọc tất cả những chất gây ô nhiễm khỏi khói. Nếu không được xử lý phù hợp, tất cả những chất gây ô nhiễm đó sẽ được xả ra bầu không khí và người dân sẽ phải gánh chịu nạn ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Ở các nước Đông Nam Á này, cũng có những trung tâm đốt rác thải, nhưng nhiều khi rác được đốt ngay ngoài trời khiến không khí bị ô nhiễm nặng. Rác thải nhiều khi cũng được lưu trữ ở các bãi rác, nhưng đó là những bãi rác lộ thiên chứ không có mái che phủ. Rác thải vì thế có thể bay lên cao, bị cuốn ra tự nhiên, ra các dòng chảy, sông hồ và đại dương ».
Vì quá tải về rác thải, rất nhanh chóng, các quốc gia Đông Nam Á cũng không còn muốn làm « bãi rác » của phương Tây nữa. Hồi mùa hè 2019, các nước Malaysia, Philippines và Indonesia lần lượt thông báo muốn gửi trả lại các nước phương Tây, trong đó có Pháp, những container rác thải mà các quốc gia phát triển này đã xuất sang Đông Nam Á.
Nói là làm ! Từ hồi tháng 06/2019, Jakarta đã gửi trả Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Úc, và Hồng Kông vài trăm container rác thải, gồm rác thải sinh hoạt, rác nhựa và nhiều loại rác nguy hiểm mà họ cho là đã được nhập khẩu trái phép vào Indonesia ! Trước đó, vào cuối tháng 05, tổng thống Philippines Duterte đã ra lệnh gửi trả cho Canada hàng chục ngàn tấn rác trong 69 container mà Canada đã xuất sang nước này. Bộ Công Nghiệp Thái Lan cũng đã tuyên bố đến năm 2020 sẽ cấm hoàn toàn việc nhập khẩu rác thải.
Kuala Lumpur cũng gửi trả về 14 nước, trong đó có Pháp, 3.000 tấn rác nhựa. Riêng Pháp bị gửi trả 20 container rác nhựa mà bộ Môi Trường Malaysia cho là một công ty Pháp đã xuất khẩu trái quy định sang nước này. Bộ trưởng Môi Trường Malaysia nhấn mạnh các nước Tây phương phải quản lý tốt hơn rác thải, ngưng xuất khẩu rác sang các nước đang phát triển.
Theo số liệu chính thức của chính phủ Malaysia, lượng rác nhựa nhập khẩu vào Malaysia đã tăng lên tới 870.000 tấn vào năm 2018, tăng gấp 3 lần so với năm 2015. Bộ trưởng Malaysia cũng giải thích là rác thải thường được bán sang Malaysia với cái cớ là để tái chế, nhưng thực tế là các loại nhựa đó lại không thích hợp để được tái chế, có nghĩa là rác thải đã được nhập khẩu trái phép vào Malaysia.
Để hạn chế tình trạng các công ty xuất khẩu trái phép rác thải để rồi bị các nước Đông Nam Á gửi trả rác, bộ Môi Trường Pháp hôm 14/11/2019 thông báo phạt công ty Pháp nói trên 192.000 euro. Bộ Môi Trường cũng cam kết các doanh nghiệp xuất khẩu rác trái phép rồi bị gửi trả lại sẽ bị kiện ra tòa án tại Pháp.
Khó khăn mà lĩnh vực tái chế rác thải của Pháp đang phải đương đầu
Nhiều người dân Pháp thường nghĩ đơn giản rằng cứ được thu gom, phân loại là rác thải sẽ được tái chế ngay tại Pháp.Thế nhưng, ôngThibault Turchet, người phụ trách pháp lý của hiệp hội Zero Waste France giải thích trên đài RFI là thực tế không đơn giản như vậy. Nước Pháp có rất nhiều cơ sở phân loại và tái chế rác thải nhưng vẫn không thể tái chế toàn bộ rác thải.
Ngoài ra, lĩnh vực tái chế rác thải là một ngành rất phức tạp. Đúng là có một số loại rác có thể được tái chế một cách dễ dàng, chẳng hạn chai soda bằng nhựa PET, nhưng có những loại nhựa không thể được tái chế hoặc công việc tái chế rất phức tạp, đòi hỏi nhiều nhân công, chẳng hạn đối với màng nhựa bọc thực phẩm, các hộp nhựa nhuộm màu đựng thực phẩm chế biến sẵn …
Vì thế, nhiều doanh nghiệp chỉ tái chế những loại rác nhựa dễ tái chế, có chất lượng, giá thành cao và xuất khẩu các loại rác nhựa rẻ tiền, chất lượng kém sang các nước khác, nhất là những nước dư thừa nhân công và chấp nhận sử dụng nhựa tái chế chất lượng kém.
Nhưng trong bối cảnh cả Trung Quốc và Đông Nam Á đều « quay lưng » lại với rác nhập khẩu, việc xử lý rác thải tại Pháp diễn ra thế nào ? Ông Arnaud Brunet, tổng giám đốc Cơ quan quốc tế về tái chế, thuộc Liên đoàn quốc tế các doanh nghiệp trong lĩnh vực tái chế giải thích với RFI :
« Chúng ta đang ở trong giai đoạn chuyển đổi và chúng ta phải đương đầu với hoàn cảnh đặc biệt. Đó là việc Trung Quốc không mua rác nữa. Rác thải để tái chế thành nguyên vật liệu sản xuất lại được xuất sang các nước khác, nhưng ngay cả những quốc gia này cũng đang trong tình trạng quá tải do lượng lớn rác nhập khẩu vào đất nước họ, dẫn đến việc tràn ngập rác thải, không có đủ chỗ chứa rác, rác bị chất đống trái phép, không đủ khả năng xử lý rác. Nhiều nước máy móc bắt chước Trung Quốc muốn tạm ngưng nhập khẩu rác, chẳng hạn như Thái Lan hay thậm chí là cấm hẳn việc mua rác, như Malaysia chẳng hạn.
Khả năng tái chế của các nước châu Âu đã đạt giới hạn, không thể nhiều hơn được nữa. Đúng là chúng ta có thể đốt các loại rác nhựa theo một cách nào đó và như vậy vẫn phát huy được giá trị của rác thải, ở đây có nghĩa là rác thải vẫn có giá trị tạo năng lượng. Chúng ta đốt rác, tạo ra hơi nóng và sản xuất ra điện. Nhưng việc này cũng có giới hạn và hệ quả là nếu chúng ta không thể tiếp tục xuất khẩu rác nhựa để chúng được tái chế ở một nước nào đó thì chúng ta sẽ buộc phải chôn lấp hay lưu trữ rác trong các trung tâm lưu trữ rác thải. Và đây sẽ là một giải pháp xấu vì gây lãng phí tài nguyên, lãng phí nguyên vật liệu và không tốt cho môi trường ».
Không chỉ liên quan đến nhựa, việc Trung Quốc hạn chế nhập khẩu nhiều loại rác và giá nguyên liệu giảm đã khiến Pháp lâm vào cảnh dư thừa nhiều loại nguyên liệu để tái chế, nhất là giấy, bìa carton từ bao bì hàng hóa nhập khẩu ồ ạt từ châu Á và rác kim loại. Các kho lưu trữ rác giấy, bìa carton, kim loại đã đầy ứ, quá tải. Một nghịch lý là sau khi thu gom, phân loại nhằm mục đích tái chế, giờ đây, do thiếu chỗ lưu trữ, nhiều rác thải lại bị đem đi chôn lấp. Từ mùa hè 2019, nhiều cơ sở tái chế thậm chí đã ngưng nhập nguyên liệu vì quá tải và thiếu thị trường đầu ra.
Ngành giấy, bìa của Pháp đang gặp khủng hoảng do không thể tự đảm bảo khâu tái chế ngay trong nước. Năm 2018, gần 7 triệu tấn giấy, bìa carton được thu gom, phân loại, tương đương 79,2% lượng rác thải carton và giấy. Thế nhưng, lượng lớn rác này không được tái chế mà vẫn nằm chất đống trong các trung tâm lưu trữ rác vốn cũng đã quá tải.
Đài France Inter ngày 01/11/2019 trích dẫn ông Pascal Genneviève, chủ tịch ngành bìa carton của Federec, liên đoàn các doanh nghiệp tái chế, theo đó « hiện nay, chúng ta đang gặp khó khăn trong việc xử lý tất cả rác bìa carton mà chúng ta đã thu gom được ». Các nhà máy giấy chỉ tái chế được 5,4 triệu tấn bìa carton, còn gần 1,6 tấn đang chờ xuất khẩu ra nước ngoài để được tái chế. Từ trước tới nay, Pháp vẫn xuất khẩu rác bìa carton sang các nước châu Âu khác, chủ yếu là Đức và Tây Ban Nha, nhưng hiện giờ các thị trường này cũng đang khép lại.
Tạp chí xã hội - Chợ Đồng Xuân Berlin, "sản phẩm" nẩy sinh từ sự sụp đổ của Bức Tường Berlin
Khu chợ Đồng Xuân tại quận Lichtenberg-Berlin từng bước được hình thành kể từ khi hệ thống mậu dịch quốc doanh tại Đông Đức cũ sụp đổ. Đây là nơi tạo việc làm cho "hàng ngàn người", góp phần phát triển kinh tế cho thành phố. Kế hoạch biến khu chợ Đồng Xuân thành một Hà Nội thu nhỏ, tập trung cộng đồng người Việt và châu Á đi ngược lại với xu hướng chung trong chính sách hội nhập của nước Đức.
Theo các số liệu mới của chính phủ Đức có khoảng 140.000 người Việt sống trên toàn quốc, đông nhất là tại thủ đô Berlin và phần lớn trong số này sống tại quận Lichtenberg.
Tạp chí của RFI hôm nay đưa quý thính giả đến thăm một vài gian hàng trong khu chợ Đồng Xuân, nơi được xem là "mô hình chợ Việt Nam thành công nhất" ở Đức, cho dù đã có nhiều người Trung Quốc, hay Pakistan,Ấn Độ đến đây buôn bán.
Người đầu tiên chúng tôi được tiếp chuyện là ông Ngọc, chủ một hiệu làm móng tay ở dẫy 8 chợ Đồng Xuân. Ông trở lại với điểm khởi đầu. Khi Bức Tường Berlin sụp đổ năm 1989 ông đã lao ra buôn bán, trước hết là bán rau quả. Mãi đến năm 2007 hiệu móng tay của ông mới được khai trương và giờ đây, ông Ngọc điều hành tiệm làm móng tay cùng với vợ và cậu con trai duy nhất.
Bây giờ ông Ngọc không còn mở trường dậy làm móng tay, thì đến lượt chị Yến, chủ trung tâm đào tạo LeNail, chị giải thích Lê là họ của chị và trường đã hoạt động được hơn một năm nay. Chị Yến trả lời chúng tôi vào giờ cao điểm, các học viên tấp nập ra vào, đặc biệt là hầu hết các học viên đều là nam giới.
Ở một dẫy chợ khác, anh Việt đang bày hàng lên giá, kệ : nào là áo gối viền đăng ten, áo gối thêu hình cây thông xanh chuẩn bị bán vào dịp Giáng Sinh, nào là khăn trải bàn đủ mọi kích cỡ. hàng thêu tay có, hàng thêu máy có ... Anh Việt cho biết có cảm tình với nước Pháp nên trả lời RFI và kể lại câu chuyện của chính mình.
Có dịp trao đổi với nhà báo Lê Mạnh Hùng, người sống lâu năm ở Berlin, ông nói đến một mô hình phát triển theo kiểu "tư bản sơ khai" của khu chợ Đồng Xuân và đã trở lại với điểm khởi đầu trước khi chợ được hình thành.
Tạp chí xã hội - IRASEC : Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại của Pháp
“Đánh giá lại chủ nghĩa tư bản và xã hội châu Á trong thế kỷ XXI: Tổng quan so sánh các thành tựu của Việt Nam sau 30 năm Đổi mới và những thách thức phía trước”, đây là chủ đề hội thảo quốc tế gần đây nhất, có quy mô lớn, diễn ra trong hai ngày 07-08/11/2019 tại thành phố Hồ Chí Minh, được Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại kết hợp với Viện Khoa học Xã hội vùng Nam Bộ và trường Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh, đồng tổ chức.
Vào đầu tháng 11/2019, RFI Tiếng Việt đã gặp và phỏng vấn bà Claire Trần, giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại - IRASEC (Institut des Recherches sur l’Asie du Sud-Est contemporain) ở Bangkok để tìm hiểu về lịch sử, chức năng và hoạt động nghiên cứu của Viện.
RFI : Xin bà giới thiệu về Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại của Pháp và tại sao IRASEC lại có trụ sở ở Bangkok ?
Claire Trần : IRASEC là một viện nghiên cứu nằm trong số 27 trung tâm nghiên cứu của Pháp ở nước ngoài, trên mọi châu lục, châu Phi, châu Mỹ, châu Á… Và có 5 trung tâm nghiên cứu Pháp tại châu Á được Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia (CNRS) và bộ Ngoại Giao Pháp đồng tài trợ.
Tại châu Á, Pháp có trung tâm nghiên cứu lâu đời nhất ở Tokyo, đó là Nhà Pháp-Nhật (Maison Franco-Japonaise). Một trung tâm khác, cũng có từ lâu, nằm ở Pondichery, Ấn Độ, cùng với một chi nhánh ở New Delhi. Ngoài ra, Pháp cũng có một trung tâm khác ở Hồng Kông và một chi nhánh ở Đài Bắc (Đài Loan). IRASEC là viện trẻ nhất trong số trên, được thành lập cách đây gần 20 năm ở Bangkok.
IRASEC không chỉ nghiên cứu về những vấn đề ở Thái Lan mà nghiên cứu toàn khu vực, gồm 11 nước Đông Nam Á , khác với những trung tâm chỉ nghiên cứu về Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên. Ở Bangkok, chúng tôi chỉ có một nhóm nhỏ khoảng 4-5 nhà nghiên cứu, trong đó có giám đốc Viện, một người phụ trách xuất bản. Nhưng chúng tôi có những nhà nghiên cứu tại các nước đối tượng nghiên cứu của họ. Ví dụ, năm 2018, chúng tôi có một nhà nghiên cứu ở Miến Điện, một người khác ở Thái Lan.
Năm 2019, chúng tôi có một nhà nghiên cứu ở Thái Lan và một người khác ở Việt Nam. Trong số hai nhà nghiên cứu này, một người nghiên cứu về những thành phố trên Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc ở Đông Nam Á, một người khác, Trần Thị Anh Đào, hiện ở thành phố Hồ Chí Minh, nghiên cứu về nhiều vấn đề, trong đó có tác động về môi trường, vấn đề biến đổi khí hậu, mực nước dâng cao đối với kinh tế Việt Nam. Đó chỉ là hai ví dụ để nói rằng các nhà nghiên cứu của Viện hoạt động trong một nước sở tại của ASEAN và chúng tôi gặp nhau ở một số sự kiện, cũng như trong các ấn bản hoặc các cuộc hội thảo.
Vậy Viện IRASEC tập trung vào những ưu tiên nghiên cứu nào ?
IRASEC có nhiều ưu tiên nghiên cứu, như chuyển giao chính trị, các vấn đề về tôn giáo. Tiếp theo là vấn đề lãnh thổ và đô thị. Chủ đề thứ ba là khối ASEAN và vấn đề hội nhập. Chủ đề thứ tư tập trung vào sự năng động xã hội, di cư và vấn đề giới. Và cuối cùng, một hướng nghiên cứu mới của Viện là xã hội, môi trường và biến đổi khí hậu.
Những trọng tâm nghiên cứu này được phát triển theo từng nước và so sánh, đối chiếu giữa các nước. Tôi cũng muốn nói thêm là trong số những chủ đề nghiên cứu chính của Viện, bên cạnh những nhà nghiên cứu có kinh nghiệm, chúng tôi cũng tạo vai trò quan trọng cho những nhà nghiên cứu trẻ đến Viện, thông qua học bổng hoặc chương trình thực tập, để hiểu rõ hơn về vùng Đông Nam Á.
Ngoài các hoạt động nghiên cứu và hội thảo, Viện IRASEC xuất bản nhiều công trình nghiên cứu. Hoạt động này được Viện tổ chức như thế nào ?
Chúng tôi xuất bản từ rất lâu. Đó là những tác phẩm, đầu tiên là bằng tiếng Pháp, nhưng ngày càng có nhiều ấn bản bằng tiếng Anh. Tác phẩm quan trọng của Viện IRASEC mang tên Đông Nam Á : Tổng kết, thách thức và triển vọng (Asie du Sud-Est : Bilan, Enjeux et Perspectifs), được xuất bản hàng năm nhằm tổng kết về tình hình năm trước ở mỗi quốc gia trong khối ASEAN, do các chuyên gia về nước đó, hoặc các nhà báo, soạn thảo. Chúng tôi đang chuẩn bị cho tập Đông Nam Á 2020 nói về những sự kiện diễn ra trong năm 2019 và dĩ nhiên là sẽ có một bài viết về Việt Nam. Sách được phát hành vào mùa Xuân 2020.
Trong tác phẩm này, chúng tôi đề cập các vấn đề theo đề tài và chủ đề xuyên suốt, ví dụ chúng tôi từng nói đến vấn đề dân số và đô thị hóa tại các thành phố Đông Nam Á. Chúng tôi cũng đề cập đến dự án Con đường Tơ lụa mới và đầu tư của Trung Quốc, cũng như các khu vực phi thuế quan, trong đó có Việt Nam và Lào. Hoặc chúng tôi cũng thống kê về việc kêu gọi vốn ở Đông Nam Á. Có thể nói đó là một tác phẩm rất quan trọng. Chúng tôi đề cập đến những chủ đề theo từng nước.
Riêng về Việt Nam, chúng tôi có một tài liệu tham khảo Việt Nam đương đại (Vietnam contemporain) nhằm tổng kết, đánh giá tình hình Việt Nam với sự tham gia của các chuyên gia trong mọi lĩnh vực. Chúng tôi cũng in một tác phẩm về vấn đề đất đai ở Việt Nam, về vai trò của giới tinh hoa. Gần đây nhất, chúng tôi xuất bản một cuốn sách nhỏ về di dân Việt Nam, mang tên Hành trình đến Vương quốc Anh (En route vers le Royaume-Uni) cùng với tổ chức phi chính phủ France Terre d’Asile. Có thể thấy là chúng tôi có rất nhiều loại ấn phẩm khác nhau.
Ngoài ra, tôi rất muốn gửi đến thính giả RFI là từ một năm nay, chúng tôi đã phát triển một chương trình để mọi người có thể tự do truy cập mọi công trình nghiên cứu của IRASEC. Có nghĩa là độc giả có thể truy cập vào trang này và tải về các bài viết hoặc toàn bộ tác phẩm bằng tiếng Pháp, bằng biếng Anh kể từ cuối năm 2019. Có nhiều tác phẩm truy cập được, không chỉ về Việt Nam vì chúng tôi nghiên cứu khắp khu vực, mà còn có những sách nói về ASEAN hoặc vai trò của Trung Quốc ở Đông Nam Á.
Với mạng lưới các nhà nghiên cứu ở các nước sở tại, liệu điều này có giúp những công trình, tác phẩm nghiên cứu của Viện IRASEC trở nên xác đáng hơn, hợp với thời sự trong khu vực hơn không ?
Những nhà nghiên cứu tham gia IRASEC là những nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS) hoặc giảng viên của các trường đại học được biệt phái đến Bangkok hoặc một trong những nước trong vùng. Nhờ đó, họ lưu lại nghiên cứu thực địa lâu hơn, nhưng đặc biệt là giúp họ có cơ hội hợp tác với các đối tác địa phương. Tôi nhấn mạnh điểm này vì đó không phải là những nhà nghiên cứu đến tìm tòi, viết sách rồi quay về Pháp. Điều quan trọng đối với chúng tôi là được hợp tác với các đối tác, như Thái Lan hoặc Việt Nam chẳng hạn. Vì sự kết hợp này cho phép chia sẻ và phát triển kiến thức.
Tôi lấy ví dụ năm 2018, chúng tôi tổ chức một hội thảo và một triển lãm ảnh về những người lính châu Á trong Thế Chiến I. Để thực hiện dự án này, chúng tôi đã kết hợp với đại học hoàng gia Thái Lan Chulalongkorn, đơn vị đóng góp rất nhiều cho hội thảo trên. Điều đó muốn nói là IRASEC không hoạt động một mình, các nhà nghiên cứu cũng không làm việc đơn lẻ mà kết hợp với các đối tác địa phương.
Như bà nói ở trên, Pháp có 27 trung tâm nghiên cứu trên thế giới. Hệ thống này có nằm trong chiến lược « tỏa sáng » đang được Pháp triển khai ?
Đúng là bộ Ngoại Giao đề cập đến « tỏa sáng » ngành nghiên cứu Pháp ra thế giới, nhưng tôi lại cho rằng Viện IRASEC góp phần vào quá trình hợp tác khoa học giữa Pháp với các tất cả đồng nghiệp trên thế giới, đặc biệt là với Việt Nam. « Tỏa sáng », đúng, nhưng « hợp tác » là trên hết bởi vì ngành khoa học, nghiên cứu khoa học không chỉ dừng ở cấp quốc gia mà mang tính toàn cầu.
Để có những tiến bộ trong nghiên cứu, chúng tôi phải kết hợp với các đồng nghiệp châu Á, Hoa Kỳ, châu Phi, Nga… Điều quan trọng là IRASEC có thể làm việc với các đồng nghiệp Thái Lan, Việt Nam, nhưng cũng phối hợp với các nhà nghiên cứu Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Gần đây, tôi được mời đến Đại học Kyoto (Nhật Bản) và Đại học Seoul (Hàn Quốc). Những trường đại học đó cũng phát triển các trung tâm nghiên cứu riêng của họ về Đông Nam Á. Vì vậy, điều quan trọng đối với chúng tôi là có thể nắm bắt được quan điểm và cách đánh giá của đồng nghiệp châu Á, thường không hẳn có cùng cách nhìn với Pháp hoặc châu Âu.
Cuối cùng, tôi muốn nói thêm là chúng tôi cũng kết hợp với nhiều đối tác châu Âu. Chúng tôi thường xuyên đón những sinh viên, đồng nghiệp từ châu Âu và họ có thể tham gia vào các dự án tập thể. Tất cả những điều trên cho thấy rằng nghề nghiên cứu không thuộc phạm vi một quốc gia, mà là quốc tế. Vì thế, chúng tôi « tỏa sáng », nhưng bằng cách hợp tác với các đối tác trong vùng và châu Âu.
RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn bà Claire Trần, giám đốc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á đương đại của Pháp tại Bangkok, Thái Lan.
Tạp chí xã hội - Việt Nam: Âm nhạc ''thức tỉnh'' của Phó An My có gây lo sợ ?
Nghệ sĩ Phó An My, nổi tiếng với biệt danh ''tiếng dương cầm bão tố'', một lần nữa gây chấn động. Lần này có lẽ ít do buổi độc tấu piano của bà tại Nhà Hát Lớn Hà Nội đêm 24/11/2019, mà nhiều hơn là do can thiệp thô bạo của an ninh (1). Nhiều người cho rằng đêm nhạc mang tên gọi ''Tỉnh'' khiến chính quyền lo sợ. Tuy nhiên, câu chuyện có thể có những ý nghĩa sâu xa hơn nhiều.
Một nhà bình luận âm nhạc Việt Nam ghi nhận, ''trước “Bóng,” “Lửa,” “Gió”… khán giả rất khó hình dung sự đồng điệu của cây đàn piano với các làn điệu chèo, tuồng, hát văn… trong cùng một tiết mục trên sân khấu. Thế nhưng, Phó An My đã dẫn dắt công chúng từ những nghi ngại ban đầu đến trạng thái bất ngờ, thậm chí là cảm giác “sửng sốt’’''.
Lần này Phó An My cùng ê kíp, nhà soạn nhạc Đặng Tuệ Nguyên và đạo diễn Đặng Xuân Trường, đã chọn một con đường khác. Độc hành với cây đàn piano, Phó An My chuyển đến công chúng cảm xúc choáng ngợp của bà trước Thiên nhiên vĩ đại, qua hơi thở của ca trù, thứ âm nhạc bác học tinh túy của Việt Nam.
Vài tuần trước cuộc biểu diễn, người nghệ sĩ dương cầm này đã phải đối mặt với các áp lực chưa từng có trong đời, từ phía an ninh, cũng như trên mạng xã hội. Tuy nhiên, đêm diễn 24/11 rốt cuộc đã diễn ra.
***
Trước hết, mời quý vị nghe nhận xét của họa sĩ Lê Quảng Hà về đêm diễn ''Tỉnh'' :
''Có thể nhận xét là chưa một lần nào tôi xem một buổi biểu diễn hoàn thiện từ góc độ ánh sáng, cho đến sân khấu mang tính nghệ thuật đến thế. Tôi chẳng hiểu tại sao một buổi biểu diễn như thế mà công an lại phải làm phiền như thế. Tôi nghĩ có lẽ chỉ có mỗi chữ Tỉnh là họ sợ. Họ sợ Dân tỉnh. Nhưng mà câu chuyện giải quyết xong, việc này cũng khá êm đẹp rồi''.
Hạnh phúc trong đau đớn
Nghệ sĩ Phó An My chắc chắn đã hạnh phúc, bởi giấc mơ 15 năm về trước của bà đã thành hiện thực. Cuộc trình diễn đã hoàn tất, tuy nhiên, trong tâm hồn của người nghệ sĩ, hạnh phúc xen lẫn nỗi đau, niềm thất vọng mênh mang. Sau đây là một tâm sự của bà Phó An My với RFI Tiếng Việt, hôm sau đêm diễn :
''Có một khoảng khắc không bao giờ tôi quên, khi có một người tặng hoa tôi. Tôi vẫn ôm bó hoa đó kịp thời, trong lúc an ninh cản trở việc ấy. Tôi không hiểu tại sao ? Và người tặng hoa tôi cũng không hiểu tại sao lại thế ? Không thể đối xử với nhau như thế này ! Đông an ninh như một sự kiện gì đấy phản quốc ! Tại sao ? Tại sao chúng ta đối xử với nhau như thế này ? Cũng có một người nhiếp ảnh hôm nay, tôi phải gọi điện (xin lỗi), người ấy tưởng tôi bầy trò ra để an ninh đến và không cho ông ấy chụp ảnh. Ông ấy dỗi, ông ấy bỏ về… Tôi không biết tôi còn phải xin lỗi bao nhiêu người nữa ! ''.
Đồng hành của Green Trees
Một trong các lý do khiến buổi biểu diễn của Phó An My bị chính quyền chú ý là do mối quan hệ giữa nghệ sĩ với những thành viên tổ chức bảo vệ môi trường Green Trees, đặc biệt với ông Đặng Vũ Lượng, nhạc sĩ và cũng là người bạn đồng hành của bà.
''Họ lo ngại là Green Trees sẽ có thể làm một điều gì đấy, họ phải ngăn chặn từ trước. Trước đó, họ đã luôn luôn cảnh báo ê kíp của đêm diễn rằng sẽ bị theo dõi an ninh chặt chẽ, bởi vì sẽ có các thế lực phản động đứng đằng sau. Chuyện này thì rất đáng ngạc nhiên, vì Greeen Trees từ trước cũng chỉ hoạt động về môi trường, chưa làm điều gì sai trái với pháp luật của Việt Nam'' (2).
Nhà hoạt động xã hội, chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A, rất quan tâm đến buổi diễn, cho dù ông không tham dự. Theo ông, chính quyền có lý do để lo ngại đêm diễn ''Tỉnh'', không chỉ vì tổ chức môi trường Green Trees.
''Họ sợ ! Mà họ sợ là đúng thôi. Bởi vì nghệ thuật, nhạc, phim ảnh. Những cái ấy nó thấm vào những cảm xúc rất là sâu thẳm của con người. Và họ chỉ muốn tất cả mọi người đều nghe bài hát Đêm nay có Bác Hồ gì đó, hay về Đảng ta vinh quang gì đó. Một chế độ mà quen tẩy não con người rồi thì nó dị ứng với những tác phẩm có tính mới lạ, và có thể gây tác động sâu đậm đến suy tư của con người''.
Khao khát nghệ thuật đỉnh cao
Trên thực tế, nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng trước buổi diễn, báo chính thức tại Việt Nam đã đăng tải hàng loạt bài viết ca ngợi ''Tỉnh'' - như một cơ hội đánh thức ý thức môi trường trong xã hội Việt Nam. Nghệ thuật làm thức tỉnh lòng người trong lĩnh vực môi trường dường như không còn là điều cấm kỵ. Bên cạnh đó, xã hội Việt Nam cũng đang ngày càng khao khát những tác phẩm âm nhạc vượt khỏi những lối mòn. Sau đây là nhận định của nhà văn Đặng Thân.
''Tôi thực sự cảm động khi xem câu chuyện được dẫn dắt qua tiếng đàn rất là kinh điển như thế này ! Tôi chỉ có một mong muốn là những cái sản phẩm nghệ thuật đỉnh cao này cần được đến với công chúng nhiều hơn. Bởi vì, cho đến giờ phút này, chúng ta thấy ở môi trường như ở Việt Nam, thì nghệ thuật rất nghèo nàn và luẩn quẩn. Tôi thấy là công chúng đến với đêm nhạc rất đông, không còn một chỗ trống. Có nghĩa là sự khao khát được thưởng thức những chương trình như thế này của người dân, đặc biệt như ở vùng Hà Nội đây là có, chỉ có điều là nguồn cung cực kỳ yếu và thiếu ! ''.
''Tôi đánh thức chính mình''
Tại sao Phó An My lại chọn ''Tỉnh'' làm tiêu đề cho tác phẩm ? Sau đây là chia sẻ của nghệ sĩ :
''Cái câu chuyện môi trường cả thế giới phải quan tâm đến. Khi môi trường nó xấu đi, thì người giầu, người nghèo cũng như nhau. Chúng ta hưởng một không khí như nhau. Nhưng đó chỉ là một góc ! Cái góc (riêng) của tôi là gì ? Thiên nhiên là thứ tuyệt vời nhất của cuộc đời này. Chúng ta làm gì ? Chúng ta chỉ là những con người nhỏ nhoi, chúng ta đang nỗ lực để mô tả lại thiên nhiên. Thiên nhiên là thứ vĩ đại nhất ! Trong một khoảnh khắc tôi chọn tên là ''TỈNH''. Tỉnh có gì là khốc liệt đâu ?!
Tỉnh là gì ? Một ngày đẹp giời tôi tỉnh dậy, tôi cần phải tỉnh dậy ! Tôi phải đánh thức chính tôi, để tôi không ngủ quên, quên là hàng ngày tôi đang làm gì ! Tôi chỉ là một hạt cát của vũ trụ này. Tôi chỉ nghĩ là, một ngày đẹp trời, giống như Vivandi, làm ''Bốn Mùa''… Tôi là người Việt Nam, tôi tự hào về những câu chuyện của ông bà tôi để lại, tôi muốn đưa được ngôn ngữ dân gian của Việt Nam đưa ra với thế giới. Để khi họ nghe thấy một giai điệu đấy, họ bảo là : À đây là Việt Nam ! Đây là đất nước tôi !''.
Cái đẹp… Thiên nhiên… sự lương thiện…
Nghệ sĩ Phó An My tâm sự thêm về những gửi gắm của bà qua tác phẩm :
''Thiên nhiên là thứ vĩ đại nhất rồi ! Màu sắc thiên nhiên, khoảnh khắc thiên nhiên, âm thanh của thiên nhiên ! Âm thanh là gì ? Có thể là, mình nghe thấy tiếng chim hót, mình rất là rung động, mình nghe thấy tiếng xào xạc của lá, mình nghe thấy tiếng gió, mình nghe thấy tất cả mọi thứ…. Mình mường tượng ra, mình tạo ra một thứ âm thanh truyền tải cho con người. Đó là giai điệu của âm nhạc ! Để nó (Thiên nhiên) đến gần với con người. Cái đêm diễn này tôi hướng đến một sự đẹp đẽ. Khi tôi đưa ra một thông điệp đẹp đẽ, tự nhiên con người sẽ lương thiện hơn. Chỉ có sự lương thiện mới thay đổi được cuộc đời này. Cái đẹp của Thiên nhiên, cái đẹp của mọi thứ đã cho mình, của vũ trụ để cho mình. Hãy tôn trọng nó ! ''.
Tác phẩm ''Tỉnh'' không dính dáng đến bất cứ tuyên truyền chính trị nào là điều mà nghệ sĩ dương cầm Phó An My nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện của bà với RFI. Với nhà văn Đặng Thân, thì giá trị của tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao này ''lớn hơn nhiều'' so với các tuyên truyền về ý nghĩa với môi trường trong tác phẩm Phó An My, thường được báo chí, truyền thông tại Việt Nam ca ngợi. Không chỉ là môi trường, theo nhà văn Đặng Thân, điều mà ông cảm nhận qua tác phẩm này là chính "đời sống của con người đang thực sự bị đe dọa".
Thức tỉnh: chuyện muôn thuở, mà cấp thiết
Những tác phẩm cách tân, sâu sắc và tinh tế bao giờ cũng để lại những cảm nhận đa chiều. Sau đây là một chia sẻ khác của tiến sĩ Nguyễn Quang A về đêm diễn Tỉnh.
''Nhạc của Phó An My có một cái nét rất là riêng của Phó An My. Tôi không nghĩ là nó chỉ gắn với môi trường đâu. Cái Tỉnh ở đây rộng lắm. Không chỉ có ý nghĩa về việc môi trường bị hủy hoại. Tỉnh ở đây nó sâu lắm ! Và người ta sợ ở cái sâu ấy ! Thực sự là cái chuyện thức tỉnh là chuyện muôn thuở. Và buổi buổi diễn nó khơi gợi lại, nó đòi hỏi người Việt Nam phải tỉnh. Thì cái thức tỉnh ấy rất nhiều ý nghĩa. Rất nhiều vấn đề khác của xã hội, mà chúng ta phải tỉnh ra ! ''.
Đêm độc tấu dương cầm ''Tỉnh'' của nghệ sĩ Phó An My, ngày 24/11/2019, để lại nhiều dấu hỏi về thái độ hành xử của chính quyền Việt Nam. Bên cạnh việc an ninh ngăn chặn những thành viên của tổ chức dân sự Green Trees tham dự đêm diễn, nhiều nhà quan sát đặc biệt chú ý đến việc các nhân viên công lực cản trở công chúng tiếp xúc với các nghệ sĩ ngay tại một trung tâm văn hóa lớn của thủ đô Hà Nội, một hành vi bị lên án là ''vô văn hóa'', thậm chí phạm pháp.
Trong chính quyền, nhiều người cũng trên đường tỉnh thức
Phản ứng thô bạo và quá khích của phía các nhân viên công lực vượt quá xa khỏi những gì cần thiết để bảo vệ an ninh xã hội, gây bất bình. Ngay giới các blogger - thường được gọi là ''các dư luận viên'', có quan điểm bài xích những người hoạt động dân sự độc lập - cũng phân hóa. Bên cạnh, những người dùng những lời lẽ tồi tệ để miệt thị nghệ sĩ Phó An My, cũng có người cho rằng không có lý do gì để hủy đêm nhạc Tỉnh.
Một bộ phận chính quyền Việt Nam dường như cũng đang thức tỉnh. Mâu thuẫn chủ đạo trong xã hội Việt Nam giờ đây không hẳn chỉ là giữa chính quyền độc tài, toàn trị với những người khát khao tìm lối thoát cho xã hội Việt Nam, mà là mâu thuẫn ngay trong chính nội bộ chính quyền, giữa một bên là thế lực ưa dùng bạo lực để duy trì nỗi sợ hãi, sự phục tùng, mù quáng trong dân chúng, với những người đang trên con đường tỉnh thức.
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhạc sĩ Phó An My, họa sĩ Lê Quảng Hà, nhà văn Đặng Thân, tiến sĩ Nguyễn Quang A và nhạc sĩ Đặng Vũ Lượng đã dành thời gian cho chương trình.
Ghi chú
1 - Theo thông tin của nhóm Green Trees, ngoài việc các thành viên của nhóm bị ngăn chặn đến dự biểu diễn, trong đêm nhạc Tỉnh tại Nhà Hát Lớn, các bức tranh nghệ thuật về thiên nhiên bị cấm trưng bày, an ninh không cho phép khán giả chụp ảnh, live stream, không một đài truyền hình nào được phép vào quay đêm diễn, không khán giả nào được phép tặng hoa…. Sau buổi diễn gần như không có bất kỳ tin bài nào giới thiệu về đêm nhạc Tỉnh, ngoài bài ''Phó An My: Bán cá lãi hơn, nhưng tôi vẫn thuộc về âm nhạc'', đăng tải ngày 25/11/2019 trên trang Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên đây là cuộc phỏng vấn nghệ sĩ dương cầm trước thềm cuộc trình diễn.
2. Nhóm Green Trees ra đời từ phong trào chống chặt hơn 6.000 cây cổ thụ ở Hà Nội, gần đây khiến công luận chú ý với bộ phim ''Đừng sợ'' về Thảm họa biển Formosa, thuật lại phong trào chống ô nhiễm biển miền Trung chưa từng có năm 2016, cũng như hoạt động của nhiều phong trào dân sự mới trỗi dậy tại Việt Nam từ 2006. Một số thành viên của Green Trees bị nhân viên công an gây khó khăn do bộ phim này (RFI 28/03/2019). Theo ông Đặng Vũ Lượng, từ một năm trở lại đây, nhiều thành viên không còn ở nơi cư trú thường lệ, "để tránh sự quấy rối từ phía an ninh".
Tạp chí xã hội - Nông trại đô thị : Paris và tham vọng « tự cung, tự cấp » rau quả
« Nông nghiệp đô thị » không còn là khái niệm quá mới mẻ ở Paris. Thủ đô nước Pháp ngày càng có nhiều « nông dân thành phố », « nông trại đô thị ». Những nông dân đô thị, ấp ủ mong muốn góp phần sản xuất và đưa nông phẩm, chủ yếu là rau quả, tới tay người tiêu dùng ngay trong thành phố, tìm lại truyền thống « tự cung, tự cấp » rau quả như thời trước đây ở Paris.
Không chỉ tạo điều kiện để người tiêu dùng mua trực tiếp, « tại nguồn », những loại rau và trái cây thật tươi, ngon ngay sau khi thu hoạch, những nông trại ở Paris còn góp phần khiến hệ sinh thái trở nên phong phú hơn và hạn chế biến đổi khí hậu.
Đã có thời Paris tự cung cấp nông phẩm nuôi sống cư dân. Hồi thế kỷ 18, ¾ diện tích thành phố được bao phủ bởi các vườn rau. Thế nhưng, với những biến chuyển xã hội, đến năm 1900, đa phần những khu vườn trồng rau để bán cho người dân đã biến mất. Và cho đến nay, chúng chỉ còn là kỷ niệm xa xưa của Paris.
Với mong muốn trở lại với truyền thống đó, đô trưởng Anne Hidalgo đã quyết định thúc đẩy nông nghiệp đô thị, với mục tiêu đến năm 2020, trong nội thành Paris, nơi « tấc đất, tấc vàng », các nông trại thành phố sẽ có tổng diện tích 30 ha. Diện tích này chỉ chiếm 0,3% tổng diện tích đất của Paris, nhưng chính quyền lạc quan hy vọng các nông trại đô thị sẽ cung cấp rau củ quả cho 10% cư dân thành phố.
Do trồng trọt ngay trong thành phố, không cần vận chuyển đi xa, các nông trại Paris có thể sử dụng các giống cây truyền thống có từ lâu năm tại địa phương. Đây là những giống được các nhà bảo tồn giống cây đánh giá cao vì có hương vị thơm ngon và giàu dinh dưỡng.
Nông dân kiểu mới
Để đáp ứng nhu cầu phát triển phương thức canh tác mới tại đô thị, ngày càng có nhiều người muốn trở thành nông dân kiểu mới. Điều này đã được anh Etienne Le Bideau, một chuyên gia về nông nghiệp đô thị giải thích trên đài France 24, ngày 04/10/2019 :
« Tôi tên là Etienne Le Bideau. Tôi là điều phối viên chương trình đào tạo « Nông nghiệp đô thị » ở trường Breuil. Trường có từ 150 năm nay. Vào thời đó, trường Breuil được thành lập nhằm đào tạo những người làm nghề trồng vườn cho thành phố Paris. Cách nay 4 năm, lần đầu tiên khóa học « Nông nghiệp đô thị » được tổ chức. Hiện nay, ngày càng có nhiều người dân quan tâm đến nông nghiệp đô thị. Năm ngoái, chúng tôi chỉ có 24 suất học nhưng có tới 130 người đăng ký. Một trong những đặc thù của nông nghiệp đô thị là nó diễn ra tại những nơi có điều kiện hạn chế, do có nhiều điều gò bó ràng buộc. Chúng ta sẽ có một số hạn chế đặc biệt, chẳng hạn phải trồng cây trên cao, theo diện tích tính theo chiều thẳng đứng, trên bề mặt các bức tường, hoặc trồng cây trên mặt đất nhưng ở những chỗ có rất ít ánh sáng. Chúng ta sẽ phải trồng cây trong những không gian bị ô nhiễm.
Nông nghiệp đô thị không nhằm nuôi sống cả thành phố. Trong bất kể hoàn cảnh nào thì nông nghiệp đô thị cũng không phải để cung ứng cho toàn bộ thành phố. Cần phải chú ý đến điều này. Chúng ta sẽ không thể có chỗ cho hàng ngàn người làm nông nghiệp đô thị trong các thành phố. Nhưng tôi nghĩ rằng trong tương lai có thể sẽ có nhiều cơ hội phát triển tốt cho nghề này, bởi vì đây sẽ là những vai trò mới trong thành phố. Những người nông dân đô thị sẽ đáp ứng những mong đợi cả về mặt xã hội và môi trường ».
Anh Nicolas Torossian là một trong những nông dân đô thị như vậy. Nông trại của anh nằm bên trong một container. Trên đài France 24, anh tự hào giải thích : « Tôi tên là Nicolas Torossian. Tôi làm nghề nông, tôi chăm sóc trang trại trồng dâu tây. Đây là văn phòng của tôi. Đây là nơi tôi làm việc. Đây là không gian làm việc mở của tôi. Quý vị thấy có chú ong đất rất đẹp trong này. Trồng dâu trong một container như thế này cho thu hoạch 7 tấn dâu/năm, bất kể vào mùa nào, tương đương với sản lượng dâu trồng trên 4.000m2 đất nông nghiệp.
Doanh nghiệp Agripolis của chúng tôi trồng dâu ở đây, theo chiều thẳng đứng. Quý vị thấy đấy, có những cột nhỏ dọc trên đó chúng tôi trồng cây dâu. Tất cả đều theo chu trình khép kín : có một thùng dẫn nước và các chất dinh dưỡng vào bên trong các cột này, rễ cây được tưới nước theo kiểu phun sương, trong các cột không có đất. Trồng trọt theo kiểu này chủ yếu cho phép chúng ta tránh phải vận chuyển trên quãng đường trung bình 1.500 km khi nhập dâu từ nước ngoài. Chúng tôi có thể trồng và thu hoạch những trái dâu ngon tuyệt vời, chỉ cách nơi cung cấp cho người tiêu dùng khoảng 5 phút.
Chúng tôi hiện giờ vẫn chưa tính được cách trồng trọt này thải ra bao nhiêu khí gây hiệu ứng nhà kính. Chúng tôi đang tiến hành đo lường. Điều thú vị trong nghề này là chúng tôi theo sát được cả quá trình từ khi trồng dâu cho đến khi trái dâu đến tay người tiêu dùng. Mỗi nông dân như chúng tôi có một khu trồng trọt riêng và chăm chút khu vườn trồng dâu như ngôi nhà nhỏ của chúng tôi, chăm chút những trái dâu như như chăm con nhỏ ».
Nông trại trên nóc nhà lớn nhất thế giới
Trong bối cảnh Paris có mật độ dân cư dày đặc bậc nhất châu Âu và thế giới, đất đai trong thành phố ngày càng bị ô nhiễm, nhiều khu vực đất không còn phù hợp để trồng trọt, thì việc triển khai các nông trại trên mặt đất với phương trức canh tác trên bề rộng theo kiểu truyền thống đôi khi là không hiệu quả. Trong bối cảnh đó, nông trại trên nóc nhà, với phương thức trồng trọt thành nhiều tầng, theo chiều thẳng đứng, là giải pháp khả thi.
Một số nghiên cứu thực nghiệm cũng chỉ ra rằng tại các đô thị, mức độ ô nhiễm môi trường trên cao giảm hơn so với phía dưới sát mặt đất, nhờ thế, chất lượng nông phẩm từ các trang trại trên nóc nhà cũng được cải thiện hơn.
Theo dự kiến, nông trại trên nóc tòa nhà số 6 của Parc des Expositions, Trung tâm triển lãm Paris, ở quận 15, cửa ngõ Versailles sẽ khai trương vào mùa xuân năm 2020. Với diện tích 14.000m2, đây sẽ là « nông trại trên nóc nhà » lớn nhất thế giới. Trong khuôn khổ chương trình hiện đại hóa Trung tâm triển lãm Paris, hồi năm 2015, cơ quan quản lý Viparis, trực thuộc Phòng Thương Mại và Công Nghiệp vùng Ile-de-France, khởi động dự án đầy tham vọng đưa nông trại trên nóc nhà lớn nhất thế giới trong tương lai thành hình mẫu thế giới về phương thức sản xuất có trách nhiệm. Đối tác của Viparis là hai công ty chuyên về nông nghiệp đô thị - Agripolis và Cultures en Ville.
Khi đi vào hoạt động, nông trại này sẽ cung cấp rau và trái cây cho dân cư khu vực phía tây nam thủ đô Paris và nhiều thành phố lân cận, nông phẩm hoặc được phân phối trực tiếp đến tay người tiêu dùng, hoặc qua trung gian là các chủ vườn, cửa hàng, khách sạn, căng-tin … Agripolis khẳng định sẽ không dùng thuốc trừ sâu diệt cỏ hay bất kỳ hóa chất nào. Hơn 30 loài cây ăn quả và rau được trồng trong 20 khu vườn, quanh năm, suốt tháng theo kiểu « mùa nào, thức nấy ». Khách hàng sẽ tránh phải mua nông sản trái mùa, vừa không tươi ngon, vừa đắt đỏ.
Trên đài France 24, ngày 04/10/2019, ông Pascal Hardy, người sáng lập và cũng là giám đốc của công ty Agripolis giới thiệu : « Tôi là người sáng lập Agripolis, công ty hiện đang phát triển các trang trại đô thị tại Paris và ở nhiều thành phố khác. Chúng tôi đang triển khai một trang trại lớn ở Porte de Versailles (cửa ngõ Paris). Nông trại rộng 14.000m2. Quý vị thấy đó, đây sẽ là trang trại đô thị trên nóc nhà lớn nhất thế giới. Chúng tôi sẽ cho trồng khoảng 30 loài cây ăn quả và rau trên những cái cột và với những hệ thống tưới nước mà quý vị có thể nhìn thấy ở đây, xung quanh chỗ quý vị đứng. Về sản lượng thu hoạch thì vào mùa cao điểm chúng tôi sẽ thu được khoảng 1 tấn rau và trái cây mỗi ngày. Như thế là rất nhiều !
Cuộc đời tôi là một câu chuyện về sức bền chịu đựng. Tôi đã bị tai nạn và giờ phải ngồi xe lăn. Tôi liên hệ chuyện cá nhân tôi với các trang trại đô thị. Chúng tôi tạo sức bền về môi trường, xã hội và kinh tế cho các thành phố. Kể từ khi đô thị bị tác động, nhất là do biến đổi khí hậu thì các thành phố phải xây dựng những lối sống theo kiểu khác, và việc ngưng vận chuyển thực phẩm từ nơi xa, tạo những khu trồng cây tươi xanh mát, phủ xanh thành phố … chính là xây dựng tính bền chịu đựng cho thành phố. Tôi nghĩ rằng thành phố đã sẵn sàng để làm điều này. Nhu cầu đã có và chúng tôi là những người nông dân kiểu mới tại Pháp. »